Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập ngành giáo dục tỉnh Điện Biên ( 1/6/1963 – 1/6/2023 ), nhằm phát hiện, tôn vinh, tri ân những tấm gương nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục tôi xin viết về một người giáo viên mà tôi hết mực yêu quý, một trong những bông hoa đẹp, rực rỡ luôn tỏa sáng trong rừng “ người tốt việc tốt” của trường THCS Thị trấn Mường Chà, phải kể đến cô giáo Nguyễn Thị Phượng.
Thực hiện lời dạy của Bác: "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Trường THCS Thị trấn Mường Chà huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên đã luôn gương mẫu trong mọi việc để xứng đáng là tấm gương sáng trước học sinh như lời dạy của Bác. Cô Nguyễn Thị Phượng là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến, được UBND tỉnh tặng Bằng khen biểu dương về các gương điển hình, tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-2018) .
Qua tìm hiểu được biết, cô giáo Nguyễn Thị Phượng, quê ở xã Bình Nguyên huyện Kiến Xương tỉnhThái Bình, tốt nghiệp Đại học ngành sư phạm, là một giáo viên đứng lớp, tại huyện Mường Chà là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Điện Biên, mặc dù cuộc sống và công việc còn gặp nhiều khó khăn, song cô giáo Nguyễn Thị Phượng luôn có tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm trong học tập và giảng dạy, không ngại khó, ngại khổ, vươn lên trước những khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, được bạn bè, học sinh và đồng nghiệp yêu mến. Với việc luôn đổi mới tư duy, tích cực học hỏi tự hoàn thiện các kĩ năng của một người giáo viên. Nắm vững các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy người học làm trung tâm, trong các bài giảng cô giáo Phượng luôn tìm những lời giảng sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong các môn dạy Toán, Vật lí, cô đã luôn khơi dậy sự đam mê yêu thích môn học cho học sinh. Vì thế học sinh tiếp thu bài tốt hơn, chủ động tìm tòi lĩnh hội tri thức, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các em. Từ sự yêu thích đam mê môn học, cô luôn động viên khuyến khích các em vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, sáng tạo có nhiều sản phẩm tham gia các cuộc thi như: Khoa học kĩ thuật cho học sinh phổ thông hay cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp huyện đã đạt 2 giải: 1 giải A, 1 giải C; cấp tỉnh đạt 1 giải B.
Trong 17 năm công tác vừa qua, cô đã bồi dưỡng được 48 học sinh giỏi cấp tỉnh ( trong đó: có 39 học sinh giỏi cấp tỉnh thi máy tính cầm tay, 9 học sinh giỏi thi môn toán lí ), thi Olimpic Vật lí có 3 em đạt giải cấp tỉnh, 1 em đạt giải cấp quốc gia. Bên cạnh đó, rất nhiều các thế hệ học sinh dưới bàn tay chèo lái của cô đã bước tiếp con đường học tập của mình đã có 13 học sinh thi đỗ vào chuyên Lí trường Lê Quý Đôn. Kết quả mà cô đã dày công “ vun trồng”, không chỉ riêng các em học sinh mà đồng nghiệp cũng phải thầm ngưỡng mộ và khâm phục.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không những bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị mà còn phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ...”. Với phong cách tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo, cô luôn gắn lý luận với thực tiễn, phong cách làm việc dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, cô giáo Phượng luôn gương mẫu trong mọi việc để xứng đáng là tấm gương trước học sinh như lời dạy của Bác: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ...”.
Bên cạnh đó, cô giáo Phượng còn là tổ trưởng chuyên môn, trưởng ban nữ công, phó chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô đã cùng với đồng nghiệp tích cực đổi mới các phương pháp và hình thức giảng dạy, tạo được mối đoàn kết, để cùng nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, tổ Khoa học tự nhiên luôn là tổ đi đầu trong nhà trường, hằng năm đều đạt tổ Lao động tiên tiến được UBND Huyện tặng giấy khen. Ngoài giờ học trên lớp, cô giáo Phượng còn tích cực tham gia các buổi ngoại khóa, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cho các em học sinh. Với cương vị là, Trưởng ban nữ công, Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô giáo Phượng luôn quan tâm chia sẻ với các chị em, vận động chị em thực hiện tốt công việc của gia đình và Nhà trường. Tổ chức các hoạt động phong trào như tọa đàm, văn nghệ, thể dục thể thao vào những ngày như: 8/3, 20/3, 19/5, 20/10, 20/11... để xây dựng tinh thần tập thể, sự đoàn kết trong chị em, tạo sự chuyển biến trong nữ công nhà trường. Năm học 2016- 2017 Công đoàn nhà trường được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen, LĐLĐ huyện tặng giấy khen. Với tinh thần luôn tận tụy vì công việc, tất cả hướng tới xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, cô đã chủ động xây dựng nhiều mô hình và vận động cán bộ, giáo viên, học sinh cùng tham gia, mạng lại hiệu quả thiết thực.
Nói về thành tích của cô thì thật đáng nể. Nhiều năm cô liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 2 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Không những vậy cô còn đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh trong cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” dành cho giáo viên trung học năm học 2016 -2017. Đặc biệt năm 2019 cô giáo Nguyễn Thị Phượng là 1 trong 3 cá nhân được thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng bằng khen khi có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Phượng ( thứ 2 từ tay trái sang ) nhận bằng khen của thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Có thể khẳng định rằng, những việc làm tuy nhỏ, ý nghĩa và thiết thực của cô giáo Nguyễn Thị Phượng, chính là thước đo chuẩn xác ý thức tự nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi thầy cô giáo. Học tập và làm theo lời Bác không phải những gì “to tát”, “cao siêu”, mà mỗi người có thể học một điều nhỏ, đơn giản từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để làm cho mình trở nên tốt đẹp hơn, trong sáng hơn, tất cả cho dạy tốt và học tốt, vì học sinh thân yêu.
Cô giáo Nguyễn Thị Phượng thật xứng đáng với danh hiệu “ Người tốt việc tốt”. Đó là những thành quả thật đáng trân trọng, có được nhờ sự phấn đấu không ngừng của cô. Với lòng yêu nghề, mến trẻ và không ngừng tâm huyết sáng tạo, cô Nguyễn Thị Phượng là một tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.